10 Phương Pháp Điều Trị Đau Đầu Hiệu Quả Ngay Tại Nhà

Đau đầu là tình trạng phổ biến, thường xảy ra ở mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp đơn giản khác để trị các chứng đau đầu thông thường. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp cho bạn 10 phương pháp điều trị đau đầu đơn giản ngay tại nhà mà ai cũng có thể áp dụng. Tìm hiểu ngay nhé!

Nguyên nhân gây đau đầu 

Theo Phân loại Quốc tế về Rối loạn Đau đầu (ICHD-3), đau đầu được chia thành 3 nhóm chính: đau đầu nguyên phát, đau đầu thứ phát và đau dây thần kinh sọ.

Đau đầu nguyên phát

Đau đầu nguyên phát không không do nguyên nhân thực thể, không do tổn thương cấu trúc não bộ. Đau đầu nguyên phát chủ yếu xuất phát từ sự hoạt động quá mức của não bộ hoặc các vấn đề trong cấu trúc gây ra cảm giác đau. Cơn đau có thể từ mạch máu, cơ bắp và dây thần kinh ở đầu hoặc cổ hoặc là từ những thay đổi phản ứng hóa học trong não.  

Các loại đau đầu nguyên phát phổ biến có thể kể đến bao gồm: 

  • Đau đầu từng cụm
  • Đau nửa đầu Migraine
  • Đau đầu do căng cơ
  • Đau đầu do lo lắng, căng thẳng
  • Đau đầu do lối sống kém lành mạnh (thức khuya, sử dụng chất kích thích, ăn uống thiếu chất,…)
  • Đau đầu do đứng, ngồi sai tư thế gây ảnh hưởng lên mắt, cổ hoặc lưng
Đau đầu được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính

Đau đầu thứ phát

Đau đầu thứ phát là cơn đau do các bệnh lý nền như dị dạng mạch máu não, đột quỵ, u não, nhiễm trùng, bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh nội tiết,… gây ra bao gồm: 

  • Đau đầu do bệnh thần kinh  (chấn thương sọ não, u não, hội chứng tăng áp lực nội sọ, bệnh màng não – mạch máu não,…)
  • Đau đầu do bệnh toàn thân: say nóng, say nắng, nhiễm độc, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính,…
  • Đau đầu do bệnh nội khoa: bệnh tiêu hóa, bệnh tim mạch, bệnh nội tiết, thiếu máu…
  • Đau đầu do các bệnh chuyên khoa khác: tai mũi họng, bệnh về mắt, cơ xương khớp, nha khoa…

Đau dây thần kinh sọ: 

Đau đầu dây thần kinh sọ là dạng đau mặt, tái phát, đặc trưng bởi các cơn đau dữ dội gây ra từ các tổn thương hoặc kích thích các dây thần kinh sọ, bao gồm: 

  • Đau dai dẳng dây thần kinh sọ 
  • Đau dây thần kinh lưỡi-hầu 
  • Đau dây thần kinh số VII phụ 
  • Đau dây thần kinh hầu trên
  • Đau dây thần kinh chẩm 

Các triệu chứng đau đầu thường gặp

Các triệu chứng của cơn đau đầu phụ thuộc rất lớn vào kiểu đau đầu mà người bệnh gặp phải. Dưới đây là một số triệu chứng của một vài loại đau đầu cơ bản phổ biến hiện nay:

Triệu chứng đau đầu do stress, căng thẳng

Đau đầu do căng thẳng là một trong những loại đau đầu phổ biến nhất hiện nay với các triệu chứng như: 

  • Thường mức độ đau chỉ khoảng từ nhẹ đến trung bình.Thường có cảm thấy bị nén ép hoặc ê ẩm ở sau gáy, có thể có cả cảm giác đau xung quanh đầu như bị búa bổ.
  • Có cảm giác đầu bị căng ra hoặc siết chặt, khiến người bệnh luôn trong tình trạng khó chịu. Ban đầu mức độ đau chỉ diễn ra ở 2 bên đầu, đôi khi lan ra khắp cả đầu nhưng khó chịu nhất vẫn là vùng sau đầu và vùng cổ. 
  • Một số ít, khi bị đau đầu do căng thẳng sẽ cực kỳ nhạy cảm với tiếng ồn. Với loại đau đầu này, thời gian đau thường mang tính chu kỳ, chia làm nhiều đợt và kéo dài tới 2 tuần trong 1 tháng hoặc 6 tháng trong 1 năm.
Đau đầu do căng thẳng, stress

Triệu chứng đau nửa đầu 

Đau nửa đầu có căn nguyên từ thần kinh mạch máu, chỉ xuất hiện ở một bên đầu với các triệu chứng như: 

  • Mức độ đau đầu từ vừa đến nặng. Cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên đầu, cảm giác dồn dập từng cơn, người bệnh có thể cảm thấy da đầu căng, rát như bị bỏng. 
  • Người bị đau nửa đầu có thể sẽ cảm thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và ôn nói. Thường nhạy cảm với các tiếng ồn, ánh sáng và mùi. 
  • Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thường lặp lại thường xuyên. 

Triệu chứng đau đầu từng cụm

Đau đầu từng cụm là một trong những tình trạng đau đầu nghiêm trọng, không theo nhịp mạch đập và thường kéo dài. Triệu chứng đau đầu từng cụm thường gặp là: 

Cơn đau thành từng cụm, đau nhức nhối bắt đầu ở khu vực phía trong, phía sau hoặc xung quanh mắt sau đó lan ra trán và thái dương. Cơn đau thường kéo dài từ 15 phút – 3 giờ.

Có thể đi kèm với các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, sưng mắt, chảy nước mắt, sụp mí ở bên phần đầu bị ảnh hưởng.

Tình trạng đau đầu 

Triệu chứng đau đầu mãn tính

Đau đầu mãn tính là tình trạng kéo dài trong 1 tháng, thông thường do các bệnh lý kết hợp như: trầm cảm, rối loạn lượng cực, lo âu, hoảng sợ, lạm dụng thuốc,..

10 phương pháp điều trị đau đầu đơn giản tại nhà

Nghỉ ngơi nhiều hơn

Áp lực, căng thẳng, suy nghĩ nhiều hay thiếu ngủ là những nguyên nhân phổ biến khởi phát cho cơn đau đầu ở một số người. Do đó, nếu nguyên nhân đau đầu của bạn đến từ những điều này thì hãy dành một chút thời gian để cho đầu óc được thảnh thơi, không suy nghĩ, thư giãn và nghỉ ngơi đủ giấc sẽ là phương pháp điều trị đau đầu hiệu quả. Một người trưởng thành nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng/ngày. 

Nghỉ ngơi nhiều hơn 

Uống nhiều nước 

Khi cơ thể thiếu nước, những cơn đau đầu thường có xu hướng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh nên uống nhiều nước để cải thiện tình trạng đau đầu. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống các loại nước ép trái cây, các loại cháo, súp,… Nên hạn chế dùng rượu, bia hay các thức uống có cồn trong giai đoạn này. 

Chườm nóng hoặc chườm lạnh 

Một trong những phương pháp điều trị đau đầu tại nhà đơn giản mà bạn có thể áp dụng đó chính là chườm lạnh hoặc chườm ấm. Chườm lạnh có thể giúp co mạch máu, giảm viêm, giảm đau tạm thời khá hiệu quả. Bạn chỉ cần chuẩn bị một miếng vải sạch bọc bên ngoài 3-4 viên đá lạnh, sau đó chườm ở những vị trí đau khoảng 2 – 3 phút. Sau đó dừng lại khoảng 1 – 2 phút rồi lại tiếp chườm, lặp lại khoảng 4 – 5 lần. 

Chườm nóng - Phương pháp điều trị đau đầu hiệu quả

Chườm ấm cũng có khả năng giúp các động mạch, mao mạch nhỏ được giãn ra, hỗ trợ giảm đau tức thì. Nếu chườm nóng, bạn hãy cho nước nóng vào túi chườm hoặc sử dụng một chiếc khăn ấm và đặt ở các vị trí cơn đau. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho các trường hợp đau đầu do các cơ quá căng. 

Điều trị đau đầu từ gừng

Theo y học cổ truyền, gừng có chứa thành phần dược tính cao, là vị thuốc hiệu quả có thể hỗ trợ giảm đau, giảm viêm tức thì. Vì vậy, để giảm cơn đau đầu ngay lập tức, bạn có thể ngậm một lát gừng mỏng trong miệng hoặc uống một cốc trà gừng ấm với mật ong.

Trà gừng và mật ong

Sử dụng trà thảo mộc,  cà phê

Theo một số báo cáo, caffeine (chất kích thích thường được tìm thấy trong trà và cà phê) có thể mang lại tác dụng hỗ trợ cải thiện tâm trạng, tăng sự tỉnh táo và làm mạch máu được co lại.  Vì vậy, bạn có thể sử dụng các loại trà thảo mộc hay một cốc cafe cũng là một phương pháp điều trị đau đầu hiệu quả. Tuy nhiên, với phương pháp này bạn chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ vừa đủ cho việc hấp thụ.

Việc lạm dụng cafe có thể gây phản tác dụng, gây mất ngủ, khiến cơn đau nặng hơn hoặc kéo dài. Ngoài ra, đau đầu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, việc tự ý tiêu thụ một số loại chất kích thích như caffeine có thể thúc đẩy bệnh tình tiến triển nhanh hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh.

Dùng tinh dầu

Liệu pháp xông tinh dầu được xem là phương pháp điều trị đau đầu hiệu quả mà bạn có thể áp dụng tại nhà. Bạn có thể sử dụng một số loại tinh dầu để giảm chứng đau đầu, có thể kể đến như: tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu cam chanh, tinh dầu bạc hà,…Mùi hương từ tinh dầu có thể giúp giảm tình trạng đau đầu nhanh chóng cũng như giữ hương thơm cho căn phòng của bạn. 

Xông hương bằng tinh dầu

Trị đau đầu bằng xông lá 

Đa phần, mỗi khi bị bệnh hay bị đau đầu, nhiều người thường áp dụng mẹo dân gian là xông lá. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tinh dầu có trong các loại lá sẽ hỗ trợ giảm các cơn đau đầu nhanh chóng. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp điều trị đau đầu theo dân gian và chưa có kiểm chứng nào cụ thể về tính hiệu quả của phương pháp này.  

Massage, bấm huyệt 

Nếu không quen với việc bấm huyệt, bạn có thể dùng tay massage nhẹ nhàng lên phần đầu của mình. Massage sẽ giúp khí huyết lưu thông và mang lại cho bạn cảm giác thư giãn, từ đó giảm cơn đau đầu nhanh chóng. 

Massage, bấm huyệt 

Tắm & ngâm chân trong nước nóng 

Để giảm bớt chứng đau đầu, người bệnh có thể tắm trong nước ấm dưới vòi sen, hoặc ngâm mình trong bồn tắm. Việc ngâm mình trong nước nóng sẽ giúp máu lưu thông nhanh hơn cũng như hỗ trợ máu tuần hoàn xuống chân, tay để đầu bớt căng thẳng cũng như điều chỉnh huyết áp về mức bình thường. 

Ăn thực phẩm bổ sung vitamin

Để hỗ trợ giảm chứng đau đầu cũng như tăng sức đề kháng, người bệnh cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể như: Magie, vitamin nhóm B,…Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, quả hạch, hạt đậu, ngũ cốc, cam, chuối,…

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất

Khi nào đau đầu nên đi khám bác sỹ?

Nếu bạn có một trong các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Cơn đau đầu kéo dài, lặp đi lặp lại thường xuyên mà không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã áp dụng những cách giảm nhức đầu
  • Người bệnh bị đau đầu đã hơn 50 tuổi.
  • Đau đầu có tính chất bất thường hoặc thay đổi kiểu đau đầu so với trước
  • Cơn đau đầu diễn ra đột ngột và dữ dội bất thường 
  • Mức độ đau đầu tăng khi ho hoặc khi vận động 
  • Đau đầu ngày một nặng dần, kéo dài nhiều giờ
  • Đau đầu kèm thay đổi hành vi, tính cách hoặc chức năng tầm thần.
  • Đau đầu kèm theo các dấu hiệu sốt, cứng gáy, suy giảm trí nhớ, kém minh mẫn, hoặc có triệu chứng thần kinh như nói khó, yếu tay chân, lên cơn co giật, rối loạn thị lực…
  • Đau đầu kèm theo dấu hiệu mắt đỏ, nhức mắt
  • Đau đầu kèm theo đau và tăng nhạy cảm vùng đau thái dương
  • Đau đầu sau khi bị va đập mạnh vào đầu.
  • Đau đầu xảy ra ở người bị ung thư hoặc bị suy giảm miễn dịch

Để có thể chẩn đoán được chính xác nguyên nhân đau đầu, ngoài việc thăm hỏi bệnh sử, tính chất đau đầu, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết như chụp CT/ Cộng hưởng từ sọ não, khám mắt, soi đáy mắt, xét nghiệm máu…để đưa ra phác đồ điều trị đúng nhất.

Trên đây là giới thiệu của phòng khám Quang Hiện về một số phương pháp điều trị đau đầu đơn giản ngay tại nhà. Những phương pháp này chủ yếu chỉ để trị các chứng đau đầu đơn giản. Nếu bạn đang mắc phải các chứng đau đầu nặng hơn hay có các biểu hiện khác thường thì tốt nhất nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế để được khám và chữa bệnh kịp thời

Để lại bình luận

DMCA.com Protection Status