“Joomla hay WordPress thì tốt hơn cho trang web của mình? Mình là người mới và chưa có nhiều kinh nghiệm? “
“Ai đó tư vấn giúp mình Joomla hay WordPress được không? Mình chưa hiểu về cái đó lắm”
Đó là những câu hỏi thường gặp khi bạn lên Quora hoặc Answer Yahoo hay bất cứ mạng xã hội hỏi đáp nào. Sau khi có một tên miền, bước tiếp theo đó là cài đặt và quản trị nội dung. Phải chăng câu hỏi chọn Joomla hay WordPress cho web quá khó? Hay là vì người mới nên chưa rành? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây về hai CMS này nhé!
Tổng quan về Joomla – WordPress
Joomla và WordPress đều là hai mã nguồn mở, hai CMS để chúng ta có thể tự xây dựng, tùy biến website của mình.
Joomla ra đời năm 2005, sử dụng ngôn ngữ lập trình PHP và cơ sở dữ liệu My SQL.
WordPress ra đời năm 2003, cũng sử dụng ngôn ngữ lập trình và cơ sở dữ liệu giống với Joola. Hiện nay WordPress là một CMS phổ biến với chiếm hơn 30% các website trên toàn cầu. Mặc dù ban đầu WordPress được tạo ra với mục tiêu là phục vụ các Blogger. Trong cấu trúc thị phần của CMS, WordPress hiện đang nắm giữ 60% và chiếm nhiều ưu thế hơn hẳn.
Dù không được phổ biến cao như WordPress nhưng Joomla cũng xếp hạng thứ hai trong danh sách các CMS. Lịch sử CMS đã từng ghi nhận có giai đoạn Joomla vươn lên bứt phá, vượt qua WordPress về mọi mặt, nhưng kể từ năm 2010 đến nay, WordPress mới là lựa chọn hàng đầu.
Rõ ràng rằng WordPress vẫn đang tiếp tục tiến lên, còn Joomla thì dậm chân tại chỗ. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là Joomla quá tệ để sử dụng! Hãy cùng đánh giá ưu điểm của hai CMS này để biết tại sao sự thay đổi thị phần lại diễn ra nhanh chóng đến thế nhé!
Joomla hay WordPress nhiều ưu điểm hơn?
Đồ tốt hay dở đều có những tranh luận nhất định, giống như cuộc chiến bất phân thắng bại giữa Apple và Samsung, giữa IOS và Android vậy. Hãy cùng xem điểm đáng ghi nhận ở Joomlavà WordPress là gì nhé!
Điểm mạnh của WordPress
WordPress rất dễ sử dụng: Đó là điểm đầu tiên có thể nhận xét về WordPress. Đây có thể đánh giá là hệ thống quản lý nội dung đơn giản nhất. Không cần biết code, không cần biết lập trình, bất cứ ai cũng có thể sử dụng Wordpress một cách thuận tiện và nhanh chóng!
WordPress phù hợp cho việc viết blog: CMS này phân biệt rõ ràng giữa các blog posts và static pages. Còn Joomla đơn giản chỉ phân biệt Article và phân loại các article mà thôi.
WordPress có khả năng mở rộng: Đây có lẽ là điểm khác biệt quyết định vì với đặc điểm này mà bạn có thể sử dụng hàng vạn plugin, các template của WordPress vô cùng đa dạng cho website của mình.
Cộng đồng WordPress khổng lồ: Tất nhiên, với số lượng người dùng trên thế giới lớn đến vậy, ở bất cứ quốc gia nào bạn cũng có thể tìm thấy sự hỗ trợ từ những người cùng sử dụng CMS này.Có thể là từ các nhóm Facebook hoặc các group…
Điểm mạnh của Joomla
Tính năng quản lý người dùng nâng cao – Joomla sử dụng một hệ thống tiên tiến hơn cho người dùng điều khiển truy cập, quản lý và phân quyền.
Linh hoạt với các mô đun: Các thành phần và mô-đun của Joomla cho phép bạn tùy chọn hiển thị các loại nội dung linh hoạt hơn
Joomla hỗ trợ đa ngôn ngữ tích hợp: Nếu như WordPress phải sử dụng plugin để giúp bạn có một website đa ngôn ngữ, thì Joomla đơn giản là có sẵn.
Nhiều templates – Joomla cho phép bạn sử dụng các template khác nhau cho các nội dung khác nhau, trong khi bạn chỉ có thể sử dụng một themes với WordPress.
Joomla hay WordPress – Cái nào tốt hơn cho người mới học cách tạo website?
Về cơ bản là giữa Joomla và WordPress không có sự khác biệt quá lớn về độ dễ dàng sử dụng cho người mới. Tuy nhiên vì độ phổ biến của Joomla không cao nên đối với nhiều người, CMS này là một lựa chọn xa lạ. Trong khi đó các dịch vụ hosting hiện nay lại đã bao gồm phần mềm cài WordPress tự động hoặc đi kèm với một trang WordPress được cài đặt sẵn.Thế là lại càng ít người biết về Joomla.
WordPress dễ sử dụng, dễ tiếp cận
Với giao diện thân thiện, WordPress có thể giúp mọi người dùng từ mới tới cũ, từ khó tiếp thu đến thông minh nhanh nhẹn bắt đầu việc tạo nội dung website ngay lập tức.
WordPress Customizer giúp mọi người dễ dàng thực hiện các thay đổi website một cách an toàn, không cần phải biết code web. Các thay đổi từ tiểu tiết như tên hiển thị website, mô tả website đến cấu trúc website… đều có thể làm một cách dễ dàng.
Bạn không cần phải hiểu code mà có thể kéo thả, lựa chọn các bố cục website, thậm chí cài thêm plugin để lựa chọn này đa dạng hơn.
Joomla cũng không quá khó!
Joomla sử dụng một sự kết hợp của các bài viết (Articles) và phân loại danh mục (Categories). Vì vậy, trước khi bạn bắt đầu tạo nội dung nào đó, bạn cần tạo các Categories cho nội dung bạn muốn tạo. Cách này giúp quản lý các kiểu bài viết dễ dàng hơn WordPress, đặc biệt là cho các bạn không biết nhiều về code.
Trình soạn thảo bài viết của Joomla TinyMCE hầu như giống với bất cứ CMS nào khác, vì vậy không có quá nhiều sự khác biệt lớn ở điểm này; chỉ có điều Joomla cung cấp nhiều tùy chọn hơn ở Editor của mình và dễ khiến bạn bị hoa mắt khi click thôi!
Nói chung giữa WordPress và Joomla không có điểm nào quá khác nhau. Chỉ có vài lưu ý như chức năng thì wordpress gọi là plugin trong khi Joomla gọi là extension; Giao diện Giao diện – WordPress gọi là theme, trong khi Joomla gọi nó là template.
So sánh số lượng plugin chức năng mở rộng và giao diện của Wordpress và Joomla
WordPress có khoảng: 54,000+ plugins miễn phí tại kho plugin của WordPress, và hàng ngàn plugins cao cấp trả phí. 5,000+ themes miễn phí tại kho giao diện WordPress.org, và cùng hàng ngàn themes trả phí khác.
Joomla đang có: Khoảng 8,000 extensions được liệt kê tại thư viện extension của Joomla. Mặc dù Joomla không có kho giao diện nhưng khi tìm kiếm trên Google các bạn sẽ thấy rất nhiều Templates cho Joomla, miễn phí có, trả phí có, tha hồ lựa chọn!
So sánh độ an toàn và bảo mật của Joomla và WordPress
Về độ an toàn, tức là nguy cơ bị hack, bị tấn công xâm nhập thì vốn dĩ không có cái gì là đảm bảo 100%, nhất là đối với các ứng dụng cho phép hoạt động của các plugins. Do đó vấn đề an toàn là việc rất khó để đánh giá, trừ khi xảy ra vấn đề quá lớn!
Điều đáng mừng là càng ngày, hậu quả của các lỗ hổng bảo mật trên WordPress core càng được giảm thiểu – vì được xử lý ngay và tung ra bản vá nhanh chóng nhờ sự trợ giúp rất đắc lực từ cộng đồng người dùng và các chuyên gia bảo mật.
Worpress chiếm thị phần rất lớn, điều đó đương nhiên khiến cho nó trở thành mục tiêu tấn công mạnh mẽ hơn bất cứ CMS nào. Năm 2019, các phiên bản WordPress 5.0.x bị phát hiện một lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng cho phép hacker thực hiện các cuộc tấn công Stored XSS. Ngoài ra các lỗ hổng “Zero-day” vẫn tiếp tục được cộng đồng bảo mật WordPress phát hiện và fix lỗi nhanh chóng. Năm 2019 cũng ghi nhận hàng loạt cuộc tấn công qua phương thức RFI – Remote File Inclusion diễn ra trên nhiều plugin nổi tiếng là Social Warface, Yuzo Related Posts, Easy WP SMTP và Yellow Pencil Visual Theme Customizer
Qua những sự việc trên để thấy rằng càng nhiều ưu điểm thì càng thu hút, và càng thu hút thì càng dễ gặp rắc rối. Nếu không ai biết tới thì không ai tấn công cả! OK?
Vậy thì Joomla hay WordPress – Bạn chọn xong chưa nào?
Đừng chọn vì thấy cái này tốt hơn cái kia hay cái này an toàn hơn cái kia…Hãy lựa chọn cho phù hợp với mục đích của chính bạn. Nếu như Wordpress phù hợp cho hầu hết các thể loại website vì bạn không mất thời gian code web, quản lý nội dung đơn giản thân thiện, dễ dàng có được sự trợ giúp nếu gặp trục trặc. Thì Joomla sẽ phù hợp nếu bạn có nhu cầu phát triển nội dung cao cấp hơn, linh hoạt hơn và mang tính chuyên nghiệp hơn.
Rõ ràng là không có CMS nào thực sự là tốt hay không. Joomla vẫn tồn tại và được ưa chuộng ở một thị phần lớn thứ hai sau WordPress, điều đó có nghĩa là Joomla vẫn còn có giá trị nhất định. Biết đâu đó khoảng vài năm nữa, Joomla lại vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng CMS thì sao?